Nhiều chính sách hỗ trợ thực hiện chuyển đổi phương tiện thu gom rác

Nhiều chính sách hỗ trợ thực hiện chuyển đổi phương tiện thu gom rác

16:03 - 06/08/2024

Hiện nay, mỗi ngày TPHCM phát sinh khoảng 9.500 -10.000 tấn rác sinh hoạt. 60% khối lượng rác này đang được lực lượng thu gom rác dân lập thu gom. Tuy vậy, phần lớn các phương tiện thu gom rác của lực lượng này không đảm bảo yêu cầu, chỉ là những chiếc xe lôi cà tàng, thùng rác thì cũ kỹ, không có nắp che, quá trình vận chuyển thường rò rỉ nước thải ra đường.

Để xử lý tình trạng xe thu gom rác thô sơ lưu thông trên đường, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, sở đã có văn bản kiến nghị với Sở TN-MT TPHCM, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện nghiên cứu xem xét tìm giải pháp xử lý, không để tình trạng phổ biến hiện nay của các đơn vị thu gom rác khi sử dụng xe máy nổ kéo các xe rác, thùng rác lưu thông trên các tuyến đường giao thông gây cản trở, nguy hiểm và không đảm bảo an toàn hoạt động cho các phương tiện tham gia giao thông.

Đồng thời, sở cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra công tác thực hiện tình trạng mất vệ sinh đô thị, lấn chiếm lòng lề đường, tập kết, vận chuyển rác không đúng quy định và xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng xe mù, xe tự chế, xe thô sơ.

Theo Sở TN-MT TPHCM, để nâng cao chất lượng hoạt động thu gom rác, thời gian qua TPHCM đã triển khai thực hiện vận động các hộ, cá nhân thu gom rác dân lập thành lập hợp tác xã/doanh nghiệp có tư cách pháp nhân và chuyển đổi phương tiện thu gom tại nguồn thô sơ (xe ba gác, xe tự chế...) sang phương tiện thu gom đảm bảo tiêu chuẩn môi trường.

Từ năm 2021 đến cuối năm 2023, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện đã rà soát, chuyển đổi 1.897 phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt (gồm 956 thùng 660 lít và 941 xe ô tô chở rác). Đồng thời, qua cập nhật báo cáo của các đơn vị, sau khi rà soát đến hết năm 2023, tổng số phương tiện thu gom hiện hữu của TPHCM là 6.414 (gồm 2.378 phương tiện không đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 37% và 4.036 phương tiện đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 63%); nhu cầu chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển mới là 1.883 phương tiện (gồm 1.144 thùng 660 lít và 739 xe ô tô chở rác) với nhu cầu vốn vay Quỹ Bảo vệ môi trường khoảng 228,89 tỷ đồng.

Phương tiện thu gom rác dân lập rất thô sơ, không đáp ứng yêu cầu vệ sinh môi trường. Ảnh: MINH HẢI

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, để hỗ trợ cho các đơn vị vay vốn thực hiện chuyển đổi phương tiện thu gom rác, TPHCM đã có nhiều chính sách hỗ trợ. Cụ thể, Quỹ Bảo vệ môi trường đã triển khai hướng dẫn và hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đang hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có nhu cầu vay vốn chuyển đổi phương tiện. Đối với các cá nhân thu gom rác quy mô nhỏ, không đủ tiền để chuyển đổi sang phương tiện cơ giới, có nhu cầu mua sắm thùng 660 lít mới hoặc có mong muốn học nghề khác để chuyển đổi nghề nghiệp thì có thể liên hệ Quỹ trợ vốn xã viên hợp tác xã thuộc Liên minh Hợp tác xã TPHCM để vay tín chấp với tổng mức vay không quá 60 triệu đồng.

TPHCM sẽ siết chặt công tác quản lý các phương tiện thu gom rác thô sơ. Ảnh : MINH HẢI

Thống kê của Quỹ bảo vệ môi trường TPHCM cho thấy, từ năm 2015 đến ngày 22-11-2023, Quỹ Bảo vệ môi trường TPHCM đã tiếp nhận 157 hồ sơ đề nghị vay vốn của hợp tác xã, xã viên, cá nhân thu gom rác dân lập và doanh nghiệp thu gom rác. Trong đó, đã duyệt vay cho 134 hồ sơ với tổng số tiền gần 177 tỷ đồng. Hiện nay, đã giải ngân cho 121 dự án chuyển đổi 160 phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn với tổng số tiền hơn 166 tỷ đồng. Trong đó, lực lượng cá nhân thu gom rác dân lập đã được giải ngân cho 15 dự án với tổng số tiền gần 10 tỷ đồng; các doanh nghiệp tư nhân (gồm một số lực lượng thu gom rác dân lập chuyển đổi tư cách pháp nhân) đã được giải ngân 36 dự án với số tiền gần 41 tỷ đồng; với hợp tác xã, xã viên đã được giải ngân 44 dự án, số tiền 35 tỷ đồng.

Theo bà Cao Phong Lan, Giám đốc Quỹ bảo vệ môi trường TPHCM, hiện nay, Quỹ bảo vệ môi trường TPHCM đang có những chính sách ưu đãi đối với chương trình hỗ trợ tài chính như lãi suất cho vay thấp, ít biến động. Cụ thể, lãi suất hiện nay là 3,86 %/năm; hạn mức cho vay tối đa 70% tổng giá trị đầu tư của dự án. Hồ sơ, quy trình thủ tục nhanh chóng; hình thức bảo đảm tiền vay linh hoạt, phù hợp với điều kiện khách hàng (như thế chấp chính tài sản hình thành từ vốn vay, chứng từ bảo lãnh ngân hàng…).

Khách hàng vay vốn tại đây sẽ được hỗ trợ quảng bá hình ảnh, được đề xuất các cấp chính quyền tuyên dương, khen thưởng đối với công tác bảo vệ môi trường; đề xuất tham gia giải thưởng môi trường hàng năm. Các dự án được ưu tiên cho vay hỗ trợ bao gồm dự án sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; dự án đầu tư sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường; dự án quản lý chất thải, tập trung giảm thiểu ô nhiễm, chuyển đổi phương tiện thu gom rác.

MINH HẢI

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/nhieu-chinh-sach-ho-tro-thuc-hien-chuyen-doi-phuong-tien-thu-gom-rac-post750039.html

Chia sẻ:
Báo cáo Thị trường Pallet Nhựa Toàn cầu năm 2024: Phân Tích Chi Tiết và Dự Báo Tăng Trưởng
Vì sao năm nay ô nhiễm không khí nghiêm trọng hơn?
ICD lắp đặt bốt gác kiểm soát ra vào cho dự án Bảo tàng quân sự Việt Nam
Thái Lan phê duyệt gói hỗ trợ 215 triệu USD thúc đẩy ngành xe điện
TP HCM khởi công nhà máy đốt rác phát điện 6.400 tỷ đồng

Danh mục bài viết

Facebook